Thông số kỹ thuật Galaxy Chromebook

admin

03/11/2020

Share

Chiếc máy tính Chromebook mới đến từ Galaxy được các phóng viên chuyên trang công nghệ The Verge đánh giá có thiết kế đẹp hơn những phiên bản tiền nhiệm. Nhưng dường như, cái giá phải trả cho vẻ đẹp đó là… nhiều vấn đề chưa ưng ý hơn cũng đã được phát hiện trên model laptop đến từ Samsung.

Ai sẽ “thèm” bỏ ra 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng) để mua một chiếc máy tính Chromebook? Đó là câu hỏi tràn ngập trên mạng Internet khi Google “vén màn” Pixelbook vào năm 2017. Và có vẻ như cuộc tranh cãi sẽ còn tiếp diễn khi Samsung đưa chiếc máy tính 2 trong 1 Samsung Galaxy Chromebook lên kệ.

Thị trường đang ngày càng chứng kiến những chiếc laptop mỏng và nhanh hơn qua từng năm, và do đó thế mạnh so sánh của những chiếc Chromebook thường nằm ở thời lượng pin và giá thành.

Đồng ý rằng một số công ty đang bán ra những chiếc Chromebook có thể cạnh tranh với máy tính Windows truyền thống về thông số kĩ thuật và hiệu năng, nhưng những chiếc Chromebook “cao cấp” ấy (ngoại trừ Pixelbook) thường không có mức giá khởi điểm ở mốc 650 USD (khoảng 15,3 triệu đồng), và nhiều mẫu máy trong số đó (chẳng hạn như Asus Chromebook Flip C434) có giá khởi điểm chưa tới 500 USD (11,8 triệu đồng).

Và sau đó Galaxy Chromebook xuất hiện với mức giá không hề rẻ (bản thấp nhất có giá 999 USD, tương đương gần 23 triệu đồng), và thời lượng pin cũng không hẳn là ấn tượng. Samsung đã quyết định đi ngược lại với những gì thường được coi là ưu thế dành cho Chromebook. Rõ ràng, Samsung muốn mang đến một suy nghĩ khác về những gì mà một sản phẩm điện toán chạy Chrome OS có thể làm được, dành cho những người dùng cao cấp.

Tuy nhiên, có lẽ những “người dùng cao cấp” ấy có lẽ sẽ phải chờ đợi thêm một thời gian nữa. Phải thừa nhận rằng Samsung đã rất “dũng cảm” khi tạo ra chiếc Chromebook có thiết kế rất đẹp này. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để xứng đáng với mức giá nghìn đô.

Hãy cùng bắt đầu với những ưu điểm. Galaxy Chromebook có một số đặc điểm nổi bật, nhưng điều đáng chú ý nhất nằm ở cái mà Samsung và Google gọi là “tay nghề cao”. Với độ dày chỉ 9,9mm và khối lượng 1,04kg, đây là chiếc Chromebook mỏng nhất thế giới.

Khung máy được làm bằng nhôm và có hai màu “xám thuỷ ngân” (Mercury gray) hoặc màu “đỏ lễ hội” (red fiesta) trông khá giống màu… da cam khi nhìn dưới ánh sáng mạnh. Phiên bản được The Verge dùng để đánh giá trong bài viết này là bản màu đỏ, và phần cạnh bên màu ghi mang đến cảm giác khá hiện đại.

Đây thực sự là một thiết bị có thiết kế đẹp. Điều duy nhất khiến người đánh giá có phần “lấn cấn” về chất lượng hoàn thiện nằm ở bản lề 360 độ của chiếc máy này: nó không chắc chắn cho lắm; do đó mỗi lần người dùng chạm ngón tay hay bút stylus lên màn hình cảm ứng, sẽ có cảm giác thiết bị hơi “nảy” lên.

Phần bàn phím đem đến cảm giác hơi “phẳng” – nhưng các phím và phần kê tay đem đến trải nghiệm tốt đến mức người viết cho rằng họ sẵn sàng “tha thứ” cho hành trình phím quá nông của chiếc bàn phím này. Tương tự, phần bàn chuột từ (trackpad) cho cảm giác hơi cứng so với những chiếc laptop Windows đầu bảng, tuy nhiên chất liệu trơn nhẵn đem đến trải nghiệm tổng thể khá tốt.

Một trong những nét đặc trưng khác trong thiết kế của chiếc máy này nằm ở chỗ Samsung đã đặt một chiếc camera độ phân giải 8 megapixel ở góc trên bên trái của phần bàn phím đi kèm. Nếu bạn gập chiếc Chromebook lại thành một chiếc máy tính bảng, bạn có thể sử dụng camera để chụp ảnh. Ở thời điểm hiện tại, camera 8 megapixel không phải là một lựa chọn phù hợp để chụp ảnh, nhưng có thể thiết kế này sẽ đem lại một số trải nghiệm thú vị khi thực hiện các cuộc gọi video.

Điểm đáng chú ý thứ hai – và là lý do khiến mức giá 1000 USD trở nên hợp lý hơn đôi chút – nằm ở màn hình. Đây là chiếc Chromebook đầu tiên trên thế giới sở hữu màn hình OLED độ phân giải 4K. Màn hình hiển thị khá ấn tượng, màu sắc rực rỡ và thậm chí khiến cả màn hình của chiếc MacBook Pro có phần bị “lép vế”.

Màn hình bóng loáng, đồng nghĩa với việc đôi lúc bị “chói”, nhưng nhìn một cách tổng thể, mọi thứ vẫn rất tốt và những “tiểu tiết” chưa hoàn hảo rất khó để nhận ra (dĩ nhiên, màn hình 4K luôn là “thủ phạm” gây tốn pin, và chiếc máy này cũng không là ngoại lệ).

Chiếc Chromebook này cũng sử dụng công nghệ Ambient Colors của Google để điều chỉnh nhiệt độ màu của màn hình phù hợp với môi trường xung quanh bạn. Điều này giúp người sử dụng cảm thấy thoải mái hơn cho mắt, nhất là vào ban đêm.

Tuy nhiên, tính năng mà phóng viên The Verge cảm thấy thích thú nhất với chiếc Chromebook này nằm ở chiếc bút stylus đi kèm. Về bề ngoài, nó trông khá giống bút S-Pen đi kèm với Galaxy Note, và cách Samsung thiết kế chỗ cất bút “thò thụt” ở bên cạnh máy cũng khá ổn.

Về trải nghiệm, bút cho cảm giác lướt trên màn hình rất mượt mà. Phóng viên The Verge nhận thấy họ sử dụng chiếc bút này nhiều hơn cả trackpad trong gần như tất cả các trường hợp, từ cuộn trang web đến di chuyển các đoạn văn bản trong Google Docs. Đây là một trải nghiệm mới lạ và thú vị.

Chiếc bút này còn được đính kèm một số tính năng nhỏ nhưng hữu ích – khác với S-Pen – tất cả những tính năng của bút stylus này đều rõ ràng và có tính thực tiễn cao. Bạn có thể dùng nó làm bút laser trong khi thuyết trình.

Bạn có thể khoanh tròn một vùng trên màn hình, chụp ảnh lại phần đó và ghi chú lên bức hình đó ngay lập tức. Nó cũng có thể đóng vai trò một chiếc “kính lúp” mà bạn có thể kéo thả trên khắp màn hình để phóng to các đối tượng. Kho ứng dụng Google Play Store cũng có một danh sách các ứng dụng thiết kế riêng để khai thác chiếc bút stylus này, trong đó bao gồm các phần mềm vẽ, kí tên và ghi chú.

Bên trong chiếc máy này là thông số kĩ thuật khá ấn tượng mà bạn có thể tìm thấy ở những dòng laptop Windows cao cấp khác. Chiếc máy này sở hữu CPU Intel Core i5 10210U thế hệ thứ 10, 8GB bộ nhớ RAM (LPDDR3), và ổ cứng 256GB. Khá ngạc nhiên khi Samsung lựa chọn bộ nhớ RAM DDR3 thay vì DDR4, tuy nhiên nhìn chung, đa số mọi người sẽ không nhận ra sự khác biệt của hai loại bộ nhớ này trên một chiếc Chromebook.

Samsung trước đó đã cho biết người dùng có thể tuỳ chỉnh cấu hình của chiếc máy này lên tối đa 16GB bộ nhớ RAM và 1TB ổ cứng, tuy nhiên đây dường như không phải là sự lựa chọn sẽ được nhiều người quan tâm (ít nhất là ở thời điểm hiện tại).

Tin mừng là chip i5 có thể xử lý đa số các tác vụ nặng. Chiếc máy này không bao giờ bị “treo”, và gần như không có ứng dụng nào “sập” (crash). Người thử nghiệm đã thử mở 20 tab trình duyệt Chrome và 7 ứng dụng Android đủ các thể loại (gồm Slack, Twitter, Gmail, Spotify, Facebook, Reddit, và Google Drive) và mọi thứ hoạt động vẫn mượt mà. Google Assistant cũng là một điểm cộng trên chiếc máy này: trợ lý ảo Google hiểu tất cả các lệnh giọng nói được đưa ra và thực sự là một người bạn đồng hành biết nói thú vị.

Tin xấu là để có thể duy trì trải nghiệm người dùng mượt mà như vậy, chiếc Galaxy Chromebook buộc phải tạo ra nhiệt. Sản phẩm này không có quạt tản nhiệt, và hệ thống làm mát thụ động hoạt động khá chập chờn trong bài thử nghiệm của The Verge.

Nhiệt độ của phần khung máy dường như không mấy… liên quan đến “gánh nặng” mà CPU đang phải xử lý. Có những lúc chiếc máy này khá “mát mẻ” khi chạy đến 17 tab trình duyệt, hoặc 3 ứng dụng và 15 tab trình duyệt cùng lúc; song có khi chỉ chạy 6 tab hoặc 3 tab và 1 Slack nhưng mọi thứ đã… nóng ran lên.

“Nóng” ở đây đến mức phần bàn phím dường như không thể gõ được một cách thoải mái và phần đế máy sắp “nướng chín” đùi bạn (nếu đặt máy lên đùi để làm việc). Người thử nghiệm thường chọn cách đóng bớt phần mềm đang mở để giảm nhiệt độ cho máy, nhưng không phải lần nào việc này cũng đem lại hiệu quả.

Nhiệt độ của máy, mặc dù đôi khi đem lại cảm giác khó chịu, nhưng không phải là yếu tố gây nản lòng nhất. Điều tệ nhất của chiếc máy này nằm ở thời lượng pin.

Đúng vậy, bạn không nghĩ rằng cái màn hình 4K với 8 triệu điểm ảnh kia tự phát ra năng lượng để hoạt động đấy chứ? Samsung tuyên bố máy có 8 tiếng thời lượng pin; nhưng trong thử nghiệm của The Verge, Galaxy Chromebook chỉ “sống sót” được trong vòng 4 tiếng 20 phút oviws một lần sạc đầy – trong khi chỉ sử dụng một vài ứng dụng và mở một vài tab Chrome, độ sáng màn hình thiết lập ở mức 50%. Tốc độ sạc pin của chiếc máy này cũng không ấn tượng lắm: sau một giờ sạc pin qua một trong những cổng USB-C của máy, pin chỉ đầy được 50%.

4 tiếng 20 phút thực sự là khá tệ. Tương quan mà nói, bạn có 2 giờ sử dụng với mỗi 1 giờ sạc pin; tức là 1/3 thời gian sử dụng chiếc máy này người dùng sẽ phải cắm sạc. Điều đó khó mà chấp nhận được đối với một chiếc Chromebook nghìn đô. 4 tiếng 20 phút sẽ chỉ chấp nhận được với một thiết bị điện toán 400 USD mà thôi.

Samsung thực sự tin rằng người dùng sẵn sàng đánh đổi thời lượng pin để có một chiếc màn hình hiển thị bóng bẩy, và có thể điều đó đúng nếu bạn định dùng chiếc Chromebook này như một cái… máy tính để bàn.

Cuối cùng, hãy dành một chút thời gian để nói về hệ điều hành Chrome OS. Nếu bạn thường xuyên sử dụng các ứng dụng web, bạn sẽ thấy chiếc máy này đem lại trải nghiệm khá nhanh và tiện dụn – ngay cả ở chế độ máy tính bảng, Google cũng đã cải thiện phần nào. Dù vậy, Google thực sự không đem đến những thay đổi đáp ứng nguyện vọng của người dùng phổ thông đối với một hệ điều hành như Chrome OS.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến các ứng dụng Android. Khi Pixelbook ra mắt năm 2017, các ứng dụng Android cho Chromebook mới chỉ là những bản beta, và đa số chúng chưa thực sự tương thích (và tương xứng) với hệ điều hành này.

Một vài lỗi khó chịu nhất đã được khắc phục (chẳng hạn như khi vào và thoát khỏi chế độ máy tính bảng không khiến ứng dụng của bạn “bay nhảy” loạn xạ trên màn hình, và những ứng dụng như Spotify không biến thành những cửa sổ nhỏ xíu như trên điện thoại di động, nằm giữa một màn hình đen sì), song có thể nói sau 3 năm, Android trên Chrome OS vẫn là một… đống lộn xộn.

Một số vấn đề chỉ là tiểu tiết. Chẳng hạn, việc bôi đen một đoạn văn bản lớn trong ứng dụng Google Docs khá khó thực hiện. Ứng dụng Slack cho Android phát sinh nhiều lỗi vặt hơn so với phiên bản trên Windows và Mac.

Trò chơi điện tử cũng không thực sự tốt: chẳng hạn như Rest in Pieces hiển thị khá giật, và dĩ nhiên hình ảnh hiển thị thì mờ và bị vỡ hạt do buộc phải phóng to để vừa với kích cỡ màn hình của Chromebook. Call of Duty: Mobile thậm chí còn không thể vượt qua màn hình chào mừng đầu tiên mà không bị “crash”.

Đặc biệt, phải nói rằng Facebook Messenger là một thảm hoạ. Bất cứ khi nào phóng viên The Verge nhận được một thông báo Messenger trong Chrome, trình duyệt này sẽ ngay lập tức bị treo và ngừng tải tất cả các trang web khác. Người thử nghiệm buộc phải đăng nhập rồi đăng xuất khỏi tài khoản Google để Chrome hoạt động trở lại.

Thực sự, những lỗi này khá… đáng xấu hổ, bởi những vấn đề này tác động trực tiếp đến hệ điều hành của Google. Người thử nghiệm thích sự đơn giản trong giao diện của các ứng dụng LastPass và Google Maps so với phiên bản trên trình duyệt của chúng. Và một số ứng dụng Android cụ thể 1Weather, Podcast Addict, và Solid Explorer, hoạt động tốt trên Galaxy Chromebook và không có phiên bản tương ứng hoạt động trên trình duyệt.

Tuy nhiên, dù sao, trách nhiệm của Samsung và Google là phải tạo ra những sản phẩm hoạt động tốt với các dịch vụ mà người dùng sử dụng hàng ngày, nhất là đối với những thiết bị có giá nghìn đô như vậy.

Dĩ nhiên, bạn có thể sử dụng các ứng dụng trên thông qua trình duyệt web; tuy nhiên điểm mạnh của Chrome OS nằm ở việc đáng ra hệ điều hành này phải hoạt động được với đa số các ứng dụng Android mà người dùng vẫn hằng yêu thích.

Có lẽ, các nhà sản xuất đã tính toán và cho rằng, người dùng sẽ hài lòng và chấp nhận đánh đổi những nhược điểm này để đổi lấy màn hình AMOLED hiển thị xuất sắc và thiết kế cùng chất lượng hoàn thiện tuyệt vời. Tuy nhiên, laptop với những tính năng nổi bật vẫn cần phải đảm đương tốt những tính năng cơ bản của nó.

Cần thừa nhận, đây là chiếc máy tính Chromebook đẹp nhất trên thị trường hiện tại. Bút stylus và camera gắn trên bàn phím cho thấy Samsung đã bỏ nhiều công sức và suy nghĩ để tạo ra một thiết bị hoàn toàn khác biệt.

Tuy nhiên khi đặt một chiếc Chromebook ở mức giá 999 USD, đồng nghĩa với việc bạn đang “đặt” chiếc máy này lên bàn cân cùng những cái tên “sừng sỏ” khác, không chỉ trong giới Chromebook, mà còn với tất cả các dòng laptop khác.

Surface Pro X, Surface Laptop 3 của Microsoft, và MacBook Air của Apple đều có giá khởi điểm là 999 USD. Dĩ nhiên, Galaxy Chromebook không cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ này – rõ ràng Samsung và Microsoft hướng đến những nhóm người dùng khác nhau.

Tuy nhiên, ở mức giá cao như vậy, chúng ta có quyền kỳ vọng chiếc máy sẽ vận hành tương đối tốt. Một vài model sẽ có một hoặc hai tính năng nổi bật, nhưng tất cả chúng cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản: màn hình đẹp, hiệu năng ổn định và thời lượng pin chấp nhận được.

Samsung đã tạo ra một chiếc máy có màn hình rất tốt và hiệu năng ổn trong nhiều trường hợp, nhưng có lẽ thời lượng pin đã phá hỏng tất cả. Sự kết hợp này có lẽ sẽ được một số người chấp nhận – nhưng chắc chắn không phải với mức giá 1.000 USD.

Thông số kĩ thuật của Samsung Galaxy Chromebook:

– Bộ xử lý: Intel Core i5 thế hệ thứ 10

– RAM: 8GB (LPDDR3)

– Ổ cứng: 256GB SSD

– Khối lượng: 1,04kg

– Độ dày: 0,97cm.

– Pin: 49,2Wh

– Màn hình: 13,3 inch OLED, độ phân giải 4K, có cảm ứng (3840 x 2160)

– Camera: 1 megapixel (trước), 8 megapixel (bàn phím)

– Wi-Fi: Wi-Fi 6 (Gig+), 802.11 ac 2×2

Latest articles

Xem kho phần mềm